Bối cảnh Chiến tranh Kim–Tống (1162–1164)

Sau sự biến Tĩnh Khang, miền bắc nước Tống dần rơi vào tay người Kim. Với việc nhị đế bị bắt, đất đai bị mất, người dân Trung Quốc đều coi đây là một nỗi nhục to lớn. Về sau tuy Tống Cao Tông lên ngôi ở Nam Kinh, phục hưng đất nước, nhưng cũng đã để cho người Kim chiếm hết miền bắc, lại cam tâm ký vào bản hòa ước Thiệu Hưng đầy nhục nhã, đồng ý cắt đất xưng thần (1142). Những năm đó, phe chủ hòa của tể tướng Tần Cối nắm quyền lực lớn trong triều. Nhưng kể từ khi Tần Cối chết (1155), phe chủ chiến lại được dịp trỗi dậy.

Cuối năm 1161, vua Kim Hoàn Nhan Lượng phát động nam tiến nhằm thống nhất Trung Quốc nhưng bị thảm bại nặng nề ở trận Thái Thạch. Bản thân Hoàn Nhan Lượng bị loạn binh giết chết, quân Kim tự động tan vỡ. Ở miền bắc, Tào quốc công Hoàn Nhan Ô Lộc thoán ngôi, đổi tên là Bao, cải nguyên Đại Định, tức là Kim Thế Tông (1161 - 1189).

Ở miền nam, sau cuộc chiến Thái Thạch, phái chủ chiến được dịp trỗi dậy, ra sức đòi triều đình bắc phạt. Trước tình hình đó, vào tháng 5 năm 1162, Tống Cao Tông nhường ngôi cho con nuôi là Tống Hiếu Tông Triệu Thận (1162 - 1189). Hiếu Tông lên ngôi, trọng dụng tể tướng Trương Tuấn, chuẩn bị thu phục Trung Nguyên.

Ngay sau khi quân Kim lui về nước, tướng Tống là Lý Hiển Trung đã đem hơn 10000 quân độ giang thu phục lại Lưỡng Hoài và Đại Tản quan, và còn có ý tiến lên phía bắc. Tống Hiếu Tông cho cải niên hiệu là Long Hưng, bày tỏ ý muốn khôi phục. Để lấy lòng tướng sĩ phe chủ chiến, Hiếu Tông hạ chiếu truy phong cho các danh tướng thời Trung Hưng: phong Hàn Thế Trung là Kì vương, giải oan cho Nhạc Phi, truy phong Ngạc quốc công, thụy hiệu Vũ Mục, thanh trừng dư đảng của Tần Cối. Ý đồ bắc phạt của triều Tống đã thể hiện rất rõ.

Kim phái Cao Trung Kiến làm Giang Nam chiêu dụ sứ, bố cáo việc lên ngôi. Cao Tông trong buổi tiếp sứ tỏ ý vạch lại biên giới, thay đổi việc triều cống, Cao Trung Kiến không chấp nhận. Tể tướng Trần Khang Bá nói

Đó là vì Kim vi phạm minh ước, không phải vì Tống.